Thiếu máu ở trẻ 1-2 tuổi không chỉ do thiếu sắt mà còn có thể liên quan đến sự thiếu hụt axit folic, vitamin B12 hoặc các vi chất khác. Vì vậy, bên cạnh thực phẩm giàu sắt, mẹ cần bổ sung đa dạng dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình tạo máu và hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Vậy bé 1-2 tuổi thiếu máu nên ăn gì? Cùng tìm hiểu chế độ ăn khoa học trong bài viết dưới đây!
1. Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ
Thiếu máu ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:
- Chế độ ăn thiếu chất: Trẻ biếng ăn, lười ăn thịt, cá sẽ dễ bị thiếu sắt, axit folic hoặc vitamin B12 – những vi chất quan trọng trong việc tạo máu
- Uống quá nhiều sữa tươi (>600ml/ngày): Từ 1 tuổi trở lên, trẻ có thể dùng được sữa tươi. Tuy nhiên, sữa tươi không chứa sắt, canxi và đạm trong sữa gây cản trở hấp thu sắt vào cơ thể.
- Mất máu nhiều: Do nhiễm giun móc, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa hoặc loét dạ dày
- Các bệnh lý khác: Nhiễm khuẩn, viêm ruột, nhiễm độc chì, tan máu tự miễn, màng hồng cầu,…
2. Dấu hiệu thiếu máu ở trẻ
Các dấu hiệu thiếu máu ở trẻ thường không rõ ràng lúc đầu và chỉ trở nên dễ nhận biết khi tình trạng trở nặng. Một số dấu hiệu thiếu máu điển hình ở trẻ như:
- Da xanh xao, lòng bàn tay và lòng bàn chân nhợt nhạt hơn so với trẻ bình thường
- Kém hoạt bát, hay buồn ngủ
- Khó thở, nhịp tim nhanh, thở nông, khó thở khi gắng sức
- Sức đề kháng yếu, hay bị mắc bệnh nhiễm khuẩn, nhất là viêm nhiễm đường hô hấp
- Môi khô, lưỡi láng, mất gai, móng dẹt hoặc khum hình thìa
- Tóc bị khô nên dễ bị gãy rụng
- Chậm biết đi, chậm tăng trưởng cân nặng và chiều cao
- Một số trẻ bị thiếu máu do xuất huyết dạ dày có thể gặp dấu hiệu đi ngoài ra phân đen

3. Bé 1-2 tuổi thiếu máu nên ăn gì?
Không chỉ thực phẩm giàu sắt, bé còn cần các dưỡng chất hỗ trợ hấp thu và tạo hồng cầu để cải thiện tình trạng thiếu máu hiệu quả. Dưới đây là những nhóm thực phẩm quan trọng mẹ nên thêm vào thực đơn hằng ngày của bé.
- Nhóm thực phẩm giàu sắt:
- Nguồn động vật: Thịt bò, gan gà, trứng, cá
- Nguồn thực vật: Rau bina, bí đỏ, các loại đậu
- Nhóm thực phẩm hỗ trợ hấp thu sắt:
- Vitamin C: Cam, quýt, kiwi, ổi, cà chua, bông cải xanh
- Vitamin A: Cà rốt, khoai lang, gan động vật
- Axit hữu cơ (Axit citric, axit malic, axit lactic): Chanh, táo, sữa chua
- Protein động vật: Thịt, cá, gia cầm chứa các amino axit sulfur giúp kích thích hấp thu sắt từ thực vật
- Nhóm thực phẩm giúp tạo hồng cầu:
- Axit folic: Súp lơ xanh, măng tây, bơ
- Vitamin B12: Sữa mẹ, sữa công thức, trứng, cá, thịt gà
4. Gợi ý thực đơn hàng ngày cho bé thiếu máu
Nếu mẹ vẫn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng thực đơn vừa đa dạng, vừa đủ chất cho bé, mẹ có thể tham khảo gợi ý sau:
Thực đơn 1
- 6h sáng: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
- 8h sáng: Cháo thịt bò: Thịt bò 35g, gạo 35-40g, rau cải 2-3 lá, dầu 2 thìa cà phê
- 10h sáng: Chuối ½ quả
- 12h trưa: Cháo gan lợn: gạo 35g, gan lợn 35g, rau muống 2-3 ngọn, dầu 2 thìa cà phê
- 14h chiều: Cam ½ quả
- 17h chiều: Cháo tôm: Gạo 35g, tôm 35g, rau dền 2-3 ngọn, dầu 2 thìa cà phê
- 20h tối: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
Thực đơn 2
- 6h sáng: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
- 8h sáng: Cháo trứng: Trứng gà 1 quả, gạo 35-40g, rau ngót 1 nắm nhỏ, dầu 2 thìa cà phê
- 10h sáng: Đu đủ 1 miếng 100g
- 12h trưa: Cháo cá: gạo 35g, cá 35g, rau muống 2-3 ngọn, dầu 2 thìa cà phê
- 14h chiều: Hồng xiêm 1 quả
- 17h chiều: Cháo thịt bò: Thịt bò 35g, gạo 35-40g, rau cải 2-3 ngọn, dầu 2 thìa cà phê
- 20h tối: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
Thực đơn 3
- 6h sáng: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml
- 8h sáng: Cháo thịt lợn: Thịt lợn 35g, gạo 35-40g, rau ngót 1 nắm nhỏ, dầu 2 thìa cà phê
- 10h sáng: Xoài 100g
- 12h trưa: Cháo gan gà: gạo 35g, gan gà 35g, rau cải 2-3 lá, dầu 2 thìa cà phê
- 14h chiều: Quýt 1 quả
- 17h chiều: Cháo cua: Cua 70g, gạo 35g, rau mồng tơi 2-3 ngọn, dầu 2 thìa cà phê
- 20h tối: Bú mẹ hoặc sữa ngoài 200ml

5. Phòng chống thiếu máu ở trẻ 1-2 tuổi
Ngoài việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ hằng ngày, ba mẹ cũng cần áp dụng các biện pháp sau để ngăn ngừa thiếu máu ở trẻ nhỏ.
5.1. Bổ sung sắt dự phòng
Bổ sung sắt liều nhỏ, theo nhu cầu sinh lý hằng ngày là một cách phòng chống thiếu máu hiệu quả ở trẻ.
Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo:
- Trẻ đủ tháng, bú mẹ hoàn toàn hoặc chủ yếu: Bổ sung sắt dự phòng từ 4 tháng tuổi
- Trẻ sinh non: Bổ sung sắt dự phòng từ 1-12 tháng tuổi

5.2. Tẩy giun định kỳ
Nhiễm giun sán, đặc biệt là giun móc khiến trẻ dễ bị mất máu, mất các chất dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa dẫn đến thiếu máu. Vì thế, ba mẹ lưu ý tẩy giun cho bé khi đủ 12 tháng tuổi.
5.3. Tránh bị thiếu máu thai kỳ
Lượng sắt trẻ sử dụng ở những tháng đầu đời chủ yếu lấy từ mẹ trong thời gian thai kỳ. Đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh sẽ giúp em bé tránh được nguy cơ thiếu máu về sau.
Để cải thiện tình trạng thiếu máu, ba mẹ nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày của bé các nhóm thực phẩm giàu sắt, hỗ trợ hấp thu sắt và giúp tạo hồng cầu. Vậy trẻ 1-2 tuổi thiếu máu nên ăn gì? Hy vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp bé phát triển toàn diện và khỏe mạnh!
Bình luận