Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho bé luôn là vấn đề khiến nhiều cha mẹ băn khoăn, đặc biệt là sắt và kẽm – hai vi chất quan trọng cho sự phát triển thể chất và trí não. Tuy nhiên, có nên bổ sung sắt kẽm dự phòng cho bé? Liệu việc bổ sung này có thực sự cần thiết hay chỉ là một xu hướng phổ biến? Hãy cùng khám phá sự thật để giúp bé phát triển toàn diện mà không lo thừa hay thiếu vi chất!
1. Khi nào cần bổ sung sắt kẽm dự phòng cho bé?
Khác với việc bổ sung sắt và kẽm theo liều điều trị – thường ở mức cao và chỉ dùng khi bé bị thiếu hụt nghiêm trọng, bổ sung dự phòng là việc cung cấp vi chất với liều thấp hơn, phù hợp với nhu cầu sinh lý của trẻ để ngăn ngừa nguy cơ thiếu hụt. Dưới đây là những trường hợp cụ thể mà bé nên bổ sung sắt và kẽm dự phòng:
1.1. Trẻ cần bổ sung sắt dự phòng khi:
Trẻ sinh non (<37 tuần): Bé không được nhận đủ lượng sắt dự trữ từ mẹ trong thai kỳ, nguy cơ thiếu sắt cao hơn so với trẻ đủ tháng
Trẻ bú mẹ sau 4 tháng tuổi: Nguồn sắt dự trữ của trẻ thời gian này cạn kiệt dần. Trong khi đó, sữa mẹ rất ít sắt, không đủ đáp ứng nhu cầu trẻ
Trẻ biếng ăn, lười ăn thịt cá: Lượng ăn ít sẽ khiến bé khó nhận đủ sắt từ thức ăn
Trẻ uống nhiều sữa tươi (>600ml/ngày): Sữa tươi không cung cấp sắt và gây cản trở hấp thu sắt từ thực phẩm khác. Điều này làm tăng nguy cơ thiếu sắt
Khuyến cáo của Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ:
- Trẻ sinh đủ tháng, bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ chủ yếu: Bổ sung sắt dự phòng từ 4 tháng tuổi.
- Trẻ sinh non: Bổ sung sắt dự phòng từ 1 đến 12 tháng tuổi.

1.2. Trẻ cần bổ sung kẽm dự phòng khi:
Trẻ kém ăn, chậm tăng cân: Thiếu kẽm ảnh hưởng đến vị giác, khiến bé ăn uống kém, dẫn đến suy dinh dưỡng, thấp còi.
Trẻ hay ốm vặt: Hệ miễn dịch suy giảm do thiếu kẽm khiến bé dễ mắc bệnh như viêm họng, cảm cúm, tiêu chảy.
Trẻ bị tiêu chảy: Việc bổ sung kẽm đã được chứng minh là có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy, cũng như ngăn ngừa các đợt tiêu chảy tiếp theo.
Hướng dẫn từ Viện Dinh Dưỡng:
Dự phòng thiếu kẽm cho các đối tượng có nguy cơ thiếu kẽm. Liều lượng: Liều bổ sung dự phòng thiếu kẽm tương ứng với nhu cầu sinh lý hàng ngày.
- Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày.
- Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày.

2. Cách bổ sung sắt kẽm dự phòng cho bé hiệu quả
Để giúp bé hấp thu sắt và kẽm tối ưu, cha mẹ cần áp dụng đúng phương pháp bổ sung:
Tăng cường thực phẩm giàu sắt và kẽm:
- Nguồn sắt: Thịt đỏ (bò, heo), gan, lòng đỏ trứng, hải sản, các loại đậu.
- Nguồn kẽm: Hàu, tôm, cá, thịt gà, trứng, các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều).
Dùng các sản phẩm bổ sung sắt, kẽm:
Ba mẹ nên cân nhắc các tiêu chí sau để lựa chọn sản phẩm phù hợp với bé:
- Dạng siro để dễ uống và chia liều
- Hàm lượng phù hợp với liều bổ sung dự phòng
- Thành phần an toàn, dễ hấp thu
- Hương vị dễ uống
- Thương hiệu uy tín

3. Những lưu ý khi bổ sung sắt kẽm cho bé
Bổ sung sắt và kẽm giúp bé phát triển khỏe mạnh, nhưng nếu không thực hiện đúng cách có thể làm giảm hiệu quả hấp thu hoặc gây tác dụng phụ. Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý:
Bổ sung đúng liều lượng, thời gian: Dùng sắt, kẽm theo đúng liều lượng và thời gian khuyến cáo. Trong đó, 1 đợt bổ sung sắt khoảng 2-3 tháng, còn kẽm từ vài tuần đến vài tháng.
Không dùng sắt và kẽm cùng lúc: Sắt và kẽm có thể cạnh tranh hấp thu. Nên cho bé uống cách nhau ít nhất 2 giờ để đảm bảo hiệu quả.
Thời điểm uống phù hợp:
- Sắt: Uống khi bụng đói (trước ăn 30 phút – 1 giờ hoặc sau ăn 1-2 giờ) để hấp thu tốt nhất. Tránh dùng chung với sữa, canxi.
- Kẽm: Có thể uống vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tránh dùng chung với sắt, canxi vì có thể cản trở hấp thu.
Theo dõi dấu hiệu bất thường: Nếu bé gặp các dấu hiệu như buồn nôn, táo bón hoặc đau bụng, tiêu chảy, cần điều chỉnh liều lượng hoặc tham khảo ý kiến từ chuyên gia.
Bổ sung sắt và kẽm dự phòng không phải là xu hướng mà là một giải pháp khoa học giúp bé phát triển toàn diện, hạn chế nguy cơ thiếu vi chất. Kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý với bổ sung vi chất khi cần sẽ giúp bé khỏe mạnh, cao lớn và phát triển tối ưu!
Bình luận