Thiếu máu hồng cầu nhỏ ở trẻ em tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển. Vậy thiếu máu hồng cầu nhỏ là gì? Những dấu hiệu nào ở trẻ cần đặc biệt lưu ý? Cách điều trị và phòng ngừa như nào?
1. Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ Ở Trẻ Em Là Gì?
Thiếu máu hồng cầu nhỏ là một loại thiếu máu trong đó các hồng cầu nhỏ hơn bình thường. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin – một thành phần của máu giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến khắp cơ thể.
Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học – Bộ Y Tế, các bệnh lý sau đây gây ra tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ:
- Thiếu máu do thiếu sắt: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Có thể là do chế độ ăn uống không đủ sắt, hấp thụ sắt kém từ ruột, mất máu cấp tính và mãn tính, hoặc do nhu cầu sắt tăng cao ở trẻ.
- Bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia: là một loại thiếu máu do gen di truyền gây ra. Bệnh này gây gián đoạn việc sản xuất hemoglobin và gây ra tình trạng phá hủy hồng cầu quá mức. Trẻ thalassemia có thể bị thiếu máu nhẹ, trung bình.
- Bệnh huyết sắc tố E: Cũng là bệnh lý di truyền, gây thiếu máu tan máu nhẹ, thường xảy ra ở khu vực Đông Nam Á.
- Thiếu máu do viêm mạn tính: Dạng thiếu máu này có thể phát triển nếu trẻ mắc các bệnh mãn tính gây viêm, bao gồm nhiễm trùng mãn tính, bệnh tự miễn và ung thư .

2. Triệu Chứng Nhận Biết Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ Ở Trẻ
Vì các tế bào hồng cầu nhỏ hơn, chúng mang ít oxy hơn, điều này dẫn đến các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Da nhợt nhạt hơn bình thường
- Nhịp tim nhanh
- Hụt hơi
- Da khô
- Da dễ bị bầm tím
Đa phần trẻ mắc bệnh rất khó phát hiện vào thời gian đầu. Đến khi bệnh phát triển, những dấu hiệu này mới dần rõ hơn.
3. Chẩn Đoán Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ Ở Trẻ Em
Bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng này:
Chỉ số hemoglobin (HGB): xác định mức độ thiếu máu:
Mức độ thiếu máu | Huyết sắc tố |
Thiếu máu nhẹ | 90 đến 120 g/L |
Thiếu máu vừa | 60 đến dưới 90 g/L |
Thiếu máu nặng | 30 đến dưới 60 g/L |
Thiếu máu rất nặng | Dưới 30 g/L |
Chỉ số đánh giá kích thước hồng cầu: Khối lượng phân tử trung bình của hồng cầu có trong máu (MCV). Trẻ bị hồng cầu nhỏ nếu MCV < 80fl

Sau khi chẩn đoán tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này.
4. Cách Điều Trị Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ Ở Trẻ Em
Điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ ở trẻ tập trung vào việc điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng bệnh.
Nếu nguyên nhân là do thiếu sắt, trẻ thường được kê sắt dạng uống trong vòng 6-12 tháng, kèm chế độ dinh dưỡng giàu sắt và vitamin C để tăng hấp thu vi chất này. Bên cạnh đường uống, truyền sắt được sử dụng nếu bị thiếu sắt nặng, rất nặng, hoặc cơ thể không hấp thu được sắt uống (cắt đoạn ruột, dạ dày, bệnh bẩm sinh).
Trong trường hợp trẻ bị thiếu máu hồng cầu nhỏ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định truyền máu. Điều này giúp bổ sung thêm lượng máu thiếu và những hồng cầu khỏe mạnh cho cơ thể.
5. Phòng Ngừa Thiếu Máu Hồng Cầu Nhỏ Ở Trẻ
Để phòng ngừa thiếu máu hồng cầu nhỏ ở trẻ, ba mẹ không nên bỏ qua các biện pháp dưới đây:
Bổ sung sắt trong thai kỳ
Cung cấp đủ sắt trong suốt quá trình mang thai không chỉ giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe tốt mà còn đảm bảo em bé khi chào đời có đủ lượng sắt dự trữ cần thiết cho sự phát triển trong những tháng đầu tiên.
Xét nghiệm máu gót chân khi trẻ chào đời
Đây là xét nghiệm để tầm soát các bệnh lý gây tan máu như: Thalassemia, G6PD. Đây là bước quan trọng giúp phát hiện sớm các rối loạn về máu, từ đó có hướng xử trí kịp thời để ngăn ngừa thiếu máu và các biến chứng nguy hiểm.
Bổ sung sắt dự phòng cho trẻ
Khi chào đời, trẻ sẽ nhận được nguồn sắt dự trữ từ mẹ để sử dụng. Sau 4 tháng, nguồn sắt này cạn kiệt dần, trong khi sắt ở sữa mẹ rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu trẻ. Vì thế, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo: Bổ sung sắt dự phòng từ 4 tháng tuổi với trẻ đủ tháng, bú mẹ hoàn toàn hoặc bú mẹ chủ yếu.

Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, đa dạng và đủ chất cho con
Cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, hải sản, trứng và rau xanh. Đồng thời, thêm vào thực đơn các loại nước ép trái cây giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Các thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 và acid folic cũng rất quan trọng để hỗ trợ quá trình tạo máu và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Không cho trẻ uống quá nhiều sữa tươi
Sữa tươi chứa nhiều canxi và đạm sữa, gây cản trở hấp thu sắt vào cơ thể. Đồng thời, trẻ uống quá nhiều sữa tươi sẽ dễ đầy bụng, gây chán ăn, càng làm tăng nguy cơ thiếu sắt. Theo một nghiên cứu năm 2018 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, khoảng 82% trẻ trên 1 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày.
Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ
Việc thăm khám thường xuyên giúp theo dõi sự phát triển toàn diện của trẻ, phát hiện sớm nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt và các vấn đề sức khỏe khác. Cha mẹ nên cho trẻ kiểm tra sức khỏe tổng quát theo từng giai đoạn, đặc biệt là trong những năm đầu đời.
Thiếu máu hồng cầu nhỏ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị. Cha mẹ cần bổ sung sắt đúng cách, xây dựng chế độ ăn hợp lý và cho trẻ khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo con phát triển khỏe mạnh.
Bình luận