Trẻ uống nhiều sữa tươi có tốt không? Sữa tươi được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, uống quá nhiều sữa tươi có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, làm giảm hấp thu sắt và dẫn đến nguy cơ thiếu máu. Cùng tìm hiểu chi tiết ở bài viết dưới đây.
1. Thành phần dinh dưỡng trong sữa tươi
Sữa tươi là nguồn dinh dưỡng quan trọng, cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ. Tùy theo mỗi hãng, thành phần trong sữa có thể khác nhau. Một số thành phần phổ biến bao gồm:
- Chất béo
- Chất đạm (protein)
- Hydrat Cacbon (đường)
- Các khoáng chất: Canxi, phốt pho, kẽm, magie
- Các vitamin: Vitamin A, B, D3,



Trong sữa tươi có sắt không?
Sữa tươi không có sắt hoặc có rất ít.
Trong sữa tươi có chứa lượng lớn đạm casein và canxi. Đây là 2 chất làm cản trở hấp thu của sắt, khiến lượng sắt trẻ nhận được bị hạn chế. Nếu chỉ uống sữa tươi mà không bổ sung thực phẩm giàu sắt khác, trẻ có nguy cơ thiếu sắt, dẫn đến thiếu máu. Vì vậy, ba mẹ cần cân đối lượng sữa và thời điểm cho bé uống để tránh dẫn đến nguy cơ con không nhận đủ sắt từ thức ăn hoặc các thực phẩm bổ sung.
2. Trẻ em uống nhiều sữa tươi có tốt không?
Nếu được sử dụng đúng cách, sữa tươi mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ:
- Hỗ trợ phát triển xương: Sữa là nguồn cung cấp canxi và vitamin D tuyệt vời, cả hai đều cần thiết cho việc xây dựng xương và răng chắc khỏe. Điều này đặc biệt quan trọng trong những năm đầu đời, khi xương phát triển nhanh chóng.
- Cung cấp năng lượng: Chất béo và protein trong sữa giúp cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày của trẻ.
- Cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu như: phốt pho, magie, Vitamin A, D, B1, B2,…
- Cung cấp nước: Sữa cũng góp phần cung cấp nước cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên thay thế việc uống nước hằng ngày bằng cách uống sữa.
Mặc dù có lợi, nhưng nếu trẻ uống quá nhiều sữa tươi, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ:
- Giảm hấp thu sắt, tăng nguy cơ thiếu máu: Sữa tươi không có hoặc có rất ít sắt. Hơn nữa, canxi và casein trong sữa có thể ức chế hấp thu sắt từ thực phẩm khác, dẫn đến nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt.
- Đầy bụng: Sữa có thể làm trẻ no lâu, khiến trẻ ít muốn ăn các thực phẩm khác. Điều này có thể dẫn đến chế độ ăn thiếu đa dạng và thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng khác.
- Dễ gây táo bón, ảnh hưởng hệ tiêu hóa: Trẻ uống quá nhiều sữa dễ bị táo bón do thiếu chất xơ. Sữa còn có thể gây rối loạn tiêu hóa nếu trẻ không dung nạp lactose.
- Nguy cơ thừa cân, béo phì: Lượng calo và chất béo trong sữa cao. Trẻ uống nhiều sữa tươi, kết hợp không kiểm soát chế độ ăn, hạn chế vận động sẽ dễ bị thừa cân.

3. Lượng sữa phù hợp theo độ tuổi
Sữa là một phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ, nhưng không nên là nguồn thực phẩm duy nhất. Việc uống sữa cần được cân đối với các nhóm thực phẩm khác như thịt, cá, trứng, rau củ và ngũ cốc để đảm bảo trẻ nhận đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết.
Dưới đây là lượng sữa tươi khuyến nghị theo từng độ tuổi – Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Trịnh Thủy Tiên (Hội Dinh dưỡng Lâm sàng TP. Hồ Chí Minh)
Độ tuổi | Lượng sữa theo khuyến nghị
(ml/ngày) |
Dưới 1 tuổi | Không khuyến khích sử dụng |
1-2 tuổi | 200-300 ml |
2-3 tuổi | 300-400 ml |
4-8 tuổi | 600 ml |
Mẹ có thể quan tâm:
Bảng ml sữa chuẩn cho bé theo tháng
4. Bổ sung sắt dự phòng với trẻ uống nhiều sữa tươi
Không thể phủ nhận sữa là một loại thực phẩm rất tiện dụng và hợp khẩu vị của trẻ nhỏ. Vì thế, trẻ chỉ thích uống sữa và uống quá nhiều. Một số trường hợp khác, trẻ biếng ăn, uống sữa thay ăn dặm,… Tuy nhiên, việc lạm dụng sữa tươi dễ dẫn đến nguy cơ thiếu sắt ở trẻ.
Theo nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 năm 2018, khoảng 82% trẻ trên 1 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt được ghi nhận uống hơn 600ml sữa tươi/ngày.
Do đó, bổ sung sắt là một trong những biện pháp hiệu quả giúp những đối tượng trẻ này phòng ngừa nguy cơ thiếu máu thiếu sắt. Dưới đây là một số lưu ý giúp ba mẹ bổ sung sắt cho con một cách hiệu quả:
- Cho trẻ uống sắt vào lúc đói, trước ăn 30 phút-1 giờ hoặc sau ăn 1-2 giờ, cách thời gian uống sữa ít nhất 2 tiếng
- Kết hợp giảm lượng sữa cho bé uống theo mức khuyến cáo
- Thêm vào thực đơn trẻ những thực phẩm giàu sắt: thịt bò, gan, cá,…
- Ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C như: cam, ổi,… để tăng hấp thu sắt
- Ưu tiên chọn dòng sắt hữu cơ dễ hấp thu, dễ uống
Như vậy, sữa tươi có nhiều lợi ích với trẻ nhưng không nên lạm dụng. Hy vọng bài viết này đã giúp ba mẹ trả lời được câu hỏi: “Trẻ uống nhiều sữa tươi có tốt không?”. Từ đó, ba mẹ có những kiến thức bổ ích để phòng ngừa các hậu quả khi trẻ uống nhiều sữa tươi, đặc biệt là nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.
Tài liệu tham khảo:
Trạm y tế P9, TP.HCM. Trẻ uống quá nhiều sữa tươi và những hệ lụy với sức khỏe
Bình luận