Nhiều ba mẹ lo lắng về tình trạng thiếu sắt ở trẻ nhưng lại băn khoăn không biết có thể tự bổ sung sắt cho con hay không. Một số ý kiến cho rằng việc bổ sung sắt cần có chỉ định từ bác sĩ. Trong khi đó, nhiều chuyên gia khuyến khích ba mẹ chủ động bổ sung theo liều sinh lý để phòng ngừa thiếu sắt. Vậy có nên tự ý bổ sung sắt cho bé? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
1. Có nên tự ý bổ sung sắt cho bé
Theo nhiều bác sĩ dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa hàng đầu, ba mẹ có thể chủ động bổ sung sắt cho trẻ nếu thực hiện đúng cách, đặc biệt là bổ sung sắt dự phòng – tức là bổ sung theo liều sinh lý, phù hợp với nhu cầu hàng ngày của trẻ.
Việc bổ sung sắt này giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu sắt hiệu quả ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải trường hợp trẻ nào cũng cần bổ sung sắt. Ba mẹ nên dựa trên tình trạng của con để quyết định bổ sung.
Khi nào ba mẹ nên bổ sung sắt cho trẻ?
Viện Hàn lâm Nhi Khoa Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến cáo chi tiết về bổ sung sắt dự phòng cho trẻ. Cụ thể:
Trẻ sinh đủ tháng, bú mẹ hoàn toàn hoặc chủ yếu: Bổ sung sắt từ 4 tháng tuổi, liều 1mg/kg/ngày
Trẻ sinh non (<37 tuần): Bổ sung sắt từ 1 đến 12 tháng tuổi, liều 2mg/kg/ngày.
Mức độ an toàn khi bổ sung sắt liều sinh lý
Bổ sung sắt theo liều sinh lý được xem là an toàn vì:
- Cơ thể có cơ chế điều hòa sắt: Đây là một hệ thống phức tạp giúp duy trì sự cân bằng của sắt. Khi lượng sắt trong cơ thể dồi dào, hệ thống này sẽ điều chỉnh làm giảm hấp thu sắt. Khi lượng sắt thấp, hiện tượng ngược lại xảy ra.
- Được chuyên gia khuyến nghị: Không chỉ Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa kỳ, ở Việt Nam, đã có rất nhiều tổ chức y tế đưa tin về thông tin bổ sung sắt dự phòng cho trẻ như: Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Sở y tế Nam Định,…
- Liều dự phòng rất nhỏ so với ngưỡng an toàn: Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng – Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ đã nghiên cứu và đưa ra ngưỡng sắt ở mức an toàn trên trẻ em là 40mg. Trong khi đó, liều sắt dự phòng chỉ khoảng 5-15mg/ngày, thấp hơn rất nhiều so với con số 40.

Dù bổ sung sắt liều sinh lý khá an toàn, ba mẹ vẫn cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt khi bổ sung sắt cho con. Nếu trẻ bị thiếu sắt cần bổ sung liều cao, hoặc có bệnh lý nền dễ gây dư sắt như Thalassemia, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
2. Vì sao ba mẹ nên bổ sung sắt dự phòng cho trẻ
Thiếu sắt là một vấn đề phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong những năm đầu đời. Việc bổ sung sắt dự phòng giúp trẻ có đủ vi chất quan trọng này để phát triển khỏe mạnh. Dưới đây là những lý do ba mẹ nên quan tâm đến việc bổ sung sắt cho con:
2.1. Trẻ em – đối tượng nguy cơ cao thiếu sắt
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non, nhẹ cân có tốc độ tăng trưởng nhanh. Do đó, những đối tượng trẻ này có nguy cơ thiếu sắt cao.
Trẻ đủ tháng thường có đủ lượng sắt dự trữ để sử dụng trong vòng 4-6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, sau thời gian này, trẻ rất dễ thiếu sắt. Lý do là lượng sắt trong sữa mẹ quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ. Đồng thời, trẻ chưa hoặc mới ăn dặm, sắt nhận được thức ăn còn rất hạn chế

2.2. Trẻ có thể thiếu sắt không dấu hiệu
Thiếu sắt ở trẻ nhỏ thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng cụ thể và khó nhận biết, đặc biệt trong giai đoạn đầu. Do đó, ba mẹ khó có thể phát hiện tình trạng thiếu sắt chỉ thông qua quan sát thông thường.
2.3. Hậu quả khi trẻ thiếu sắt những năm đầu
Thiếu sắt trong những năm đầu đời có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với sự phát triển của trẻ. Đây là giai đoạn then chốt cho sự phát triển não bộ và toàn diện, trong khi sắt đóng vai trò quan trọng trong các quá trình này.
Thiếu sắt có thể dẫn đến các vấn đề về sự chú ý, trí nhớ và khả năng học tập. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em bị thiếu sắt có điểm IQ thấp hơn và có kết quả kém hơn trong các bài kiểm tra nhận thức. Không chỉ vậy, những suy giảm nhận thức do thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể không thể phục hồi, ngay cả khi bổ sung sắt sau này.
Ngoài ra, thiếu sắt còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển vận động, cảm xúc và hệ thống miễn dịch của trẻ.

3. Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách tại nhà cho trẻ
Bổ sung sắt cho trẻ tại nhà cần thực hiện đúng cách để đảm bảo hấp thu tối ưu và hạn chế tác dụng phụ. Dưới đây là những hướng dẫn quan trọng ba mẹ nên lưu ý:
Thời gian uống sắt
Ba mẹ nên cho trẻ uống sắt khi bụng đói, trước bữa ăn khoảng 30 phút – 1 giờ hoặc sau ăn 1-2 giờ. Nếu trẻ dễ bị kích ứng dạ dày, có thể cho uống ngay sau bữa ăn.
Lưu ý thực phẩm không nên kết hợp
Một số thực phẩm có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt như:
- Thực phẩm giàu canxi: sữa, phô mai
- Thực phẩm giàu phytate: ngũ cốc nguyên cám.
Những thực phẩm này cần cho bé sử dụng cách xa thời gian uống sắt khoảng 2 tiếng.
Theo dõi phản ứng của trẻ để xử lý
Mỗi trẻ có thể phản ứng khác nhau với việc bổ sung sắt. Ba mẹ cần quan sát các dấu hiệu sau và có cách xử lý phù hợp:
- Nôn trớ: Nếu trẻ bị nôn trớ sau khi uống sắt, ba mẹ có thể thử pha sắt với một chút nước trắng hay nước hoa quả để bé dễ uống hơn. Một cách khác là chia nhỏ liều ra, cho bé uống từng ít một.
- Tiêu chảy, đau bụng, táo bón: Một số trẻ có thể gặp rối loạn tiêu hóa. Mẹ có thể điều chỉnh lại thời gian uống sắt ngay sau ăn và giảm xuống liều thấp hơn. Nếu tình trạng không giảm và kéo dài, mẹ nên tạm dừng bổ sung sắt và hỏi ý kiến của chuyên gia.
- Đi phân xanh, đen: Đây là hiện tượng bình thường khi trẻ bổ sung sắt, không gây hại và không cần lo lắng.
Mẹ có thể quan tâm:
Sắt uống chiều được không? Cách uống thuốc sắt đúng cách
Nên bổ sung sắt cho bé khi nào? Hướng dẫn đầy đủ cho ba mẹ
Bổ sung sắt cho trẻ sơ sinh thế nào cho hiệu quả? Cần lưu ý gì?
Như vậy, việc bổ sung sắt dự phòng được đánh giá là an toàn và đã được nhiều chuyên gia, tổ chức y tế khuyến nghị. Ba mẹ có thể tự bổ sung sắt cho con theo đúng khuyến cáo về đối tượng, liều lượng và thời gian sử dụng. Chủ động bổ sung sắt đúng cách sẽ giúp trẻ phòng ngừa thiếu sắt và đảm bảo sự phát triển toàn diện trong những năm đầu đời.
Tài liệu tham khảo:
Tomas Ganz; Hepcidin and iron regulation, 10 years later. Blood 2011
Agaoglu L, Torun O, Unuvar E, Sefil Y, Demir D. Effects of iron deficiency anemia on cognitive function in children. Arzneimittelforschung.
Frank R. Greer, Robert D. Baker; Early Childhood Chronic Iron Deficiency and Later Cognitive Function: The Conundrum Continues. Pediatrics December 2022
NIH. Iron. Fact Sheet for Health Professionals
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bổ sung sắt cho trẻ nhỏ. 2017
Sở y tế Nam Định. Có nên tự ý bổ sung sắt cho bé? Hướng dẫn bổ sung sắt tại nhà. 2024
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trẻ sơ sinh có cần bổ sung vi chất? 2022
Bình luận