Sắt uống chiều được không? Câu trả lời là “có thể”. Nhưng uống sắt vào buổi chiều có ảnh hưởng gì đến khả năng hấp thu và hiệu quả sử dụng? Bài viết này sẽ giải đáp chi tiết về thời điểm uống sắt phù hợp, cách uống đúng và những lưu ý quan trọng để đạt hiệu quả tối ưu.
1. Sắt uống chiều được không?
Theo các nghiên cứu, sự hấp thu sắt trong cơ thể chịu ảnh hưởng bởi hormone Hepcidin. Đây là một loại hormone do gan sản xuất, có vai trò điều chỉnh khả năng hấp thu sắt từ ruột vào máu. Khi cơ thể dồi dào sắt, gan sẽ sản xuất ra nhiều hormone này để hạn chế sự hấp thu sắt. Ngược lại, khi cơ thể thiếu sắt, hormone Hepcidin được sản xuất ít đi, sắt được hấp thu vào máu nhiều hơn.
Nồng độ hepcidin thấp hơn vào buổi sáng. Do đó, quá trình hấp thụ sắt có xu hướng hiệu quả hơn vào thời điểm này. Tuy nhiên, không có nghĩa là uống sắt vào buổi chiều là không được. Trong nhiều trường hợp, việc uống sắt vào buổi chiều vẫn có thể mang lại hiệu quả, nhất là khi người dùng không thể uống vào buổi sáng vì các lý do như:
- Quên uống sắt vào buổi sáng.
- Cần uống các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng khác vào buổi sáng, không thể uống cùng sắt.
- Hệ tiêu hóa nhạy cảm, dễ bị kích ứng khi uống sắt lúc sáng sớm.

2. Cách uống thuốc sắt đúng cách
Mặc dù sắt được ưu tiên uống vào buổi sáng, nhưng đây chỉ là một trong các yếu tố giúp tăng khả năng hấp thu sắt. Bên cạnh đó, mẹ còn cần lưu ý về thời gian uống sắt so với bữa ăn, các chất không nên uống chung với sắt để đảm bảo hiệu quả sử dụng.
2.1. Nên uống sắt cách bữa ăn bao lâu?
Sắt được hấp thu tốt nhất khi bụng đói. Do đó, thời điểm lý tưởng để bổ sung sắt là trước ăn 1 giờ hoặc sau ăn 2 giờ.
Lý do là vì thực phẩm, đặc biệt là các nhóm chất như canxi, phytate (có trong ngũ cốc, đậu) và polyphenol (có trong trà, cà phê) có thể ức chế sự hấp thu sắt, khiến cơ thể không nhận đủ lượng sắt cần thiết. Uống sắt khi bụng đói còn giúp sắt vào ruột nhanh hơn mà không bị cạnh tranh với các chất khác.
Tuy nhiên, một số bé đường tiêu hóa nhạy cảm, có thể bị kích ứng nếu uống sắt lúc đói. Các dấu hiệu thường thấy như buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Khi đó, mẹ có thể thử cho bé uống sắt sau ăn để giảm tác dụng không mong muốn này.

2.2. Không nên uống sắt chung với gì?
Để không làm giảm hiệu quả hấp thu sắt, khi sử dụng, mẹ nên tránh các thực phẩm và các loại thuốc sau:
- Sữa và chế phẩm từ sữa (sữa tươi, phô mai, sữa chua): Do trong sữa chứa nhiều canxi và đạm casein, cạnh tranh với sắt khi hấp thu.
- Trà, nước ngọt có ga: Chứa polyphenol và tannin có thể ức chế sự hấp thu sắt.
- Ngũ cốc nguyên cám, đậu và các loại thực phẩm giàu chất xơ: Chứa phytate, làm giảm khả năng hấp thu sắt.
- Kháng sinh: Một số loại thuốc kháng sinh như tetracycline, quinolon có tương tác với sắt. Nếu bé đang sử dụng kháng sinh, mẹ nên cho bé uống sắt cách ít nhất 2 tiếng.
- Các vi chất như canxi, kẽm: Các vi chất này cũng cần uống cách sắt ít nhất 2 tiếng vì chúng cạnh tranh hấp thu nhau.
Một mẹo nhỏ cho mẹ, để bé uống sắt với nước trái cây giàu vitamin C sẽ hỗ trợ hấp thu tốt hơn.

3. Nên chọn loại sắt nào để hấp thu tốt?
Bên cạnh cách uống sắt đúng cách, việc lựa chọn loại sắt phù hợp đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả bổ sung. Hiện nay, sắt có hai dạng chính là sắt hữu cơ và sắt vô cơ. Trong đó, sắt hữu cơ có khả năng hấp thu tốt và ít gây tác dụng phụ. Vì thế, dòng sắt này thường được khuyến khích sử dụng cho bé, đặc biệt là khi dùng lâu dài.
- Sắt hữu cơ: Ví dụ sắt fumarate, sắt bisglycinate – sắt amin hữu cơ. Có tỷ lệ hấp thu cao, ít gây táo bón, buồn nôn hoặc kích ứng dạ dày. Đây là lựa chọn ưu tiên cho trẻ nhỏ cần bổ sung lâu dài.
- Sắt vô cơ: Ví dụ sắt sulfate. Khó hấp thu hơn , có nguy cơ gây táo bón, buồn nôn, đầy bụng cao hơn.
Xem thêm: Phân biệt sắt hữu cơ và vô cơ – Nên lựa chọn loại sắt nào cho bé?
Hướng dẫn xác định thành phần sắt trong sản phẩm
Để xác định một sản phẩm chứa loại sắt nào, là sắt hữu cơ hay vô cơ, mẹ có thể:
- Xem bảng thành phần của sản phẩm, thường được in trên vỏ hộp hoặc trong tờ hướng dẫn sử dụng.
- Tìm kiếm trên mạng với cú pháp: [Tên sản phẩm] + “chứa sắt gì”.
- Hỏi nhân viên tư vấn tại điểm bán.
- Liên hệ ngay cho nhãn hàng để được tư vấn.
Nhìn chung, buổi sáng là thời điểm tối ưu để uống sắt. Tuy nhiên, bé hoàn toàn có thể uống vào buổi chiều. Đồng thời, việc uống sắt đúng cách, chọn loại sắt phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng giúp bé hấp thu tốt và hạn chế tác dụng phụ.
Hy vọng qua bài viết này, mẹ đã có đủ thông tin để tối ưu cách bổ sung sắt cho bé, giúp bé luôn đủ sắt và phát triển khỏe mạnh.
Tài liệu tham khảo:
Nemeth E, Ganz T. Hepcidin and Iron in Health and Disease. Annu Rev Med.
Bình luận