Thành Phần Sữa Mẹ Và Giá Trị Dinh Dưỡng Tuyệt Vời Cho Trẻ

01/04/2025 22 lượt xem Theo dõi Ferrolip Baby trên google_news

Không chỉ cung cấp năng lượng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của bé, sữa mẹ còn chứa vô số dưỡng chất quý giá giúp tăng cường hệ miễn dịch, phát triển trí não và cải thiện hệ tiêu hóa. Cùng Ferrolip khám phá những điều kỳ diệu về thành phần sữa mẹ trong bài viết dưới đây.

Thành phần sữa mẹ gồm những gì?

Sữa mẹ luôn được coi là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mỗi thành phần trong sữa mẹ đều có vai trò quan trọng cho quá trình phát triển của em bé. Vậy trong sữa mẹ có chứa những thành phần nào?

Các thành phần sữa mẹ
Các thành phần sữa mẹ

1. Nước

Nước chiếm 87% sữa mẹ. Lượng nước này đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu của bé.

Do đó, tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước, ngay cả vào những ngày nóng. Cho trẻ dưới sáu tháng tuổi uống nước có thể gây tiêu chảy và dẫn đến suy dinh dưỡng. Cho trẻ uống nước cũng có thể khiến trẻ uống ít sữa mẹ hơn hoặc ngừng bú sớm.

2. Carbohydrate (chất đường)

Lactose là thành phần carbohydrate chính và là chất dinh dưỡng dồi dào nhất trong sữa mẹ. Bên cạnh vai trò cung cấp năng lượng, lactose giúp tăng cường sự hấp thụ canxi, ngăn ngừa còi xương. Ngoài ra, chất này còn thúc đẩy hệ vi khuẩn tốt trong đường ruột.

Carbohydrate trong sữa mẹ còn có HMO (Oligosaccharides). Chúng hoạt động như men vi sinh, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột cụ thể và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

3. Lipid (chất béo)

Đây là thành phần đóng góp khoảng 50% tổng lượng calo trẻ nhận từ sữa mẹ. Trong chất béo có chứa omega 6, omega 3 và DHA, tham gia vào quá trình trưởng thành của não và võng mạc. Đồng thời, cholesterol có trong chất béo rất cần thiết cho sự phát triển, sao chép và duy trì tế bào.

Điều đặc biệt, chất béo có khả năng thay đổi tùy thuộc vào tình trạng khác nhau. Chúng thường có ít ở sữa đầu và nhiều hơn ở sữa cuối. Lượng chất béo còn phụ thuộc vào chế độ ăn của người mẹ.

4. Protein (chất đạm)

Chất đạm trong sữa mẹ có 2 loại chính là đạm whey (chiếm khoảng 60%), đạm casein (chiếm khoảng 40%), ngoài ra còn một số loại peptid khác. Đạm ở sữa mẹ có các phân tử nhỏ hơn so với sữa bò nên dễ tiêu hóa hơn.

Những protein này thực hiện nhiều chức năng khác nhau như: cung cấp dinh dưỡng, có hoạt tính kháng khuẩn, điều hòa miễn dịch và kích thích hấp thụ chất dinh dưỡng khác.

5. Kháng thể

Globulin A (IgA) là kháng thể có nhiều nhất trong sữa mẹ. IgA bao phủ niêm mạc hệ tiêu hóa và hô hấp của trẻ, tạo ra hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. Chất này có nhiều trong sữa non, loại sữa đầu tiên được sản xuất sau khi sinh.

Sữa mẹ cũng chứa các thành phần kháng thể khác như IgM và IgG, góp phần vào hệ thống miễn dịch. 

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh

6. Enzyme

Lipase, Amylase, Protease, Lactoferrin là các enzyme thường thấy trong sữa mẹ.

Một số enzyme giúp phân hủy chất béo, carbohydrate và protein, hỗ trợ hệ tiêu hóa vẫn đang phát triển của trẻ sơ sinh. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu đời khi khả năng sản xuất enzyme của trẻ sơ sinh có thể bị hạn chế.

Một số enzyme khác còn góp phần tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ sơ sinh.

7. Vitamin

Trong hầu hết các trường hợp, sữa mẹ chứa đủ vitamin để đảm bảo sự phát triển bình thường của trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, vitamin D và K có thể không đủ ở trẻ sơ sinh chỉ bú mẹ và có thể cần bổ sung. Do đó, trẻ em được khuyến cáo nên bổ sung vitamin D với liều lượng 400 IU mỗi ngày. Vitamin K cũng được truyền từ mẹ sang trẻ với số lượng hạn chế, vì vậy trẻ nên bổ sung vitamin K sau khi sinh.

8. Khoáng chất

Sữa mẹ chứa hơn 20 loại khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt, kẽm,… Các khoáng chất này có nhiều nhất trong sữa non và có thể giảm dần theo thời gian.

Nồng độ một số khoáng chất trong sữa mẹ thấp nhưng chúng có khả năng hấp thu cao. 

Ví dụ sắt trong sữa mẹ, tuy hàm lượng chỉ khoảng 0,35mg/lít nhưng khả năng hấp thu lên tới 50%, gấp 5 lần so với khả năng hấp thu của sắt trong sữa công thức. Do đó, trẻ bú mẹ hoàn toàn thường không cần bổ sung sắt trước 4–6 tháng tuổi. Sau đó, bé cần được cung cấp thêm sắt từ các thực phẩm, chế phẩm bên ngoài. 

9. Hệ vi sinh vật

Sữa mẹ không vô trùng mà chứa một nhóm vi khuẩn riêng. Điều này có thể giúp định hình sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột của trẻ bú mẹ.

10. Các thành phần khác

Ngoài những thành phần trên, trong sữa mẹ được phát hiện chứa các chất như: hormone, yếu tố tăng trưởng và MicroRNA. Những yếu tố này góp phần không kém quan trọng đến sự phát triển của trẻ.

Sữa mẹ sau 6 tháng thay đổi như thế nào?

Sau 6 tháng, sữa mẹ có chút thay đổi nhưng vẫn chứa nhiều năng lượng, các chất dinh dưỡng và kháng thể cần thiết cho trẻ. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trẻ đã lớn, nhu cầu cũng tăng cao. Nếu chỉ dựa vào sữa mẹ, trẻ sẽ không nhận đủ các chất cần thiết cho sự phát triển. Do đó, ba mẹ nên kết hợp cả việc tiếp tục cho con bú sữa mẹ và bắt đầu tập cho trẻ ăn dặm.

Nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi
Nên cho trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi

Xem thêm:

Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu có tốt không?

Sữa mẹ thường thiếu chất gì?

Nhìn chung, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, sữa mẹ thường thiếu hụt hai vi chất quan trọng là vitamin D và sắt, không đáp ứng đủ nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, bên cạnh việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, cha mẹ cần chú ý bổ sung vitamin D từ những ngày đầu sau sinh và sắt từ khi trẻ được 4 tháng tuổi.


Tài liệu tham khảo:

Gifa. Breastmilk composition

Australian Breastfeeding Association. Breastmilk composition – the research

Kim SY, Yi DY. Components of human breast milk: from macronutrient to microbiome and microRNA. Clin Exp Pediatr

Nicholas J. Andreas, Beate Kampmann, Kirsty Mehring Le-Doare. Human breast milk: A review on its composition and bioactivity, Early Human Development

Bình luận (0)

Gửi bình luận