Lộ trình bổ sung vi chất cho bé hiệu quả và an toàn 

18/12/2023 599 lượt xem

Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng tỉ lệ trẻ thiếu hụt các nguyên tố vi lượng vẫn ở mức đáng báo động. Vậy lộ trình bổ sung vi chất cho bé như thế nào là phù hợp với từng thể trạng và giai đoạn phát triển, cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây. 

Vi chất là gì?

Vi chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể với hàm lượng rất nhỏ song lại giữ vai trò vô cùng đa dạng trên cả trao đổi chất, miễn dịch và kiểm soát di truyền. 

Các vi chất có thể kể đến như: sắt, kẽm, canxi, các loại vitamin, DHA,… Ngoại trừ vitamin D, hầu hết các nguyên tố vi lượng thiết yếu không tự sản sinh được trong cơ thể nên cần bổ sung từ chế độ ăn uống. Do đó, một lộ trình bổ sung vi chất phù hợp là quan trọng trong việc tối ưu hóa sức khỏe cũng như phòng ngừa và điều trị bệnh tật.

Lộ trình bổ sung vi chất cho bé
Lộ trình bổ sung vi chất cho bé

Thiếu vi chất để lại hậu quả gì cho bé

Mặc dù chỉ tồn tại với số lượng ít nhưng vi chất dinh dưỡng lại khiến bộ máy cơ thể hoạt động trơn tru. Các tế bào của chúng ta sử dụng vi chất để duy trì sức khỏe, chống lại bệnh tật, chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, phát triển xương và xây dựng cơ bắp,…

Tùy vào loại vi chất bị thiếu mà cơ thể bé sẽ phải gánh chịu những hậu quả khác nhau như:

  • Trẻ nhỏ khi thiếu sắt thường hay đau đầu, hoa mắt, thiếu hoạt bát và chậm phát triển cả thể chất cũng như não bộ. 
  • Thiếu hụt iod ở trẻ có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến nhận thức, gia tăng nguy cơ  bướu cổ, bé thường xuyên mệt mỏi và thiếu tập trung.
  • Thiếu magie khiến trẻ hay bị chuột rút và mỏi cơ.
  • DHA thiếu hụt làm tăng nguy cơ bé bị mắc các tật khúc xạ, thoái hóa điểm vàng, chậm nói và chậm phát triển tư duy.
  • Trẻ nhỏ thiếu canxi và vitamin D thường thấp bé, còi xương, răng mọc chậm.
  • Thiếu vitamin C làm cho hệ miễn dịch của bé bị suy giảm, dễ ốm vặt và chảy máu nướu răng.
  • Thiếu vitamin B12 có thể gây thiếu máu hồng cầu khổng lồ và suy giảm chức năng miễn dịch ở trẻ,…
Thiếu vi chất để lại hậu quả gì cho bé
Thiếu vi chất để lại hậu quả gì cho bé

Lộ trình bổ sung vi chất cho bé

Vi chất quan trọng là vậy song cơ thể trẻ nhỏ lại chỉ cần một lượng nhỏ để đảm bảo sự phát triển bình thường và khỏe mạnh. Do vậy, hãy cùng tham khảo gợi ý về lộ trình bổ sung vi chất cho bé của các chuyên gia dinh dưỡng ngay dưới đây.

Canxi

Canxi chiếm khoảng 2% trọng lượng cơ thể với vai trò quan trọng trong phát triển chiều cao, sự chắc khỏe của xương, răng và các dẫn truyền thần kinh. Nhu cầu canxi của trẻ tăng theo mỗi độ tuổi, cụ thể như sau:

Độ tuổi Lượng canxi cần bổ sung
Trẻ dưới 6 tháng 300mg/ ngày
Trẻ từ 7 tháng – 1 tuổi 400mg/ ngày
Trẻ từ 1-3 tuổi 500mg/ ngày
Trẻ từ 4-6 tuổi 600mg/ ngày
Trẻ từ 7-9 tuổi 700mg/ ngày
Trẻ trên 10 tuổi 1000-1200mg/ ngày

Canxi chỉ được hấp thu khoảng 20-30% từ chế độ ăn uống. Do đó mẹ có thể bổ sung thêm canxi cho bé mỗi đợt 2 tháng, 1-2 đợt/năm, đặc biệt ưu tiên vào những thời điểm ít nắng như mùa đông. Để tăng hấp thu canxi, bé cần được tích cực vận động ngoài trời và không dùng canxi kèm với sữa.

DHA

Bé cần DHA dù ở bất kì giai đoạn tăng trưởng nào trong hành trình phát triển. Với trẻ sơ sinh, lượng DHA tốt nhất là lấy từ nguồn sữa mẹ. Vì vậy, các mẹ đang cho con bú được khuyến nghị nạp ít nhất 200mg vi chất này mỗi ngày. Tuy nhiên có nhiều lí do khiến hàm lượng DHA trong sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ. Khi đó, bé cần được củng cố thêm dưỡng chất này thông qua sữa công thức, thực phẩm bổ sung hay chế độ ăn uống hàng ngày.

Từ 1-8 tuổi, bé đang trong giai đoạn học hỏi và phát triển não bộ mạnh mẽ. Do đó, WHO khuyến cáo bé từ 1-3 tuổi cần được bổ sung 75mg DHA mỗi ngày. Với trẻ từ 4-7 tuổi, mức liều khuyến nghị là 125mg/ ngày. Trẻ trên 8 tuổi cần gấp đôi lượng DHA trên, tức 250mg để giúp phản xạ nhanh và ghi nhớ hiệu quả.

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm nên mẹ cần chú ý lựa chọn chế phẩm tinh khiết, không nhiễm tạp cũng như kim loại nặng để đảm bảo an toàn cho trẻ. 

DHA giúp bé phát triển toàn diện
DHA giúp bé phát triển toàn diện

Men vi sinh

Mẹ có biết 80% hệ miễn dịch nằm ở đường ruột, do đó củng cố hệ vi sinh đường ruột cũng chính là cách để bảo vệ trẻ tránh xa khỏi bệnh tật. Việc bổ sung men vi sinh giúp cân bằng hệ miễn dịch cho cơ thể, ngăn ngừa các rối loạn, nhiễm trùng đường tiêu hóa cũng như giảm thiểu tình trạng loạn khuẩn ruột.

Tuy nhiên, nhất là với trẻ sơ sinh, tình trạng lạm dụng men vi sinh có thể gây nhiều biến chứng và hậu quả nghiêm trọng. Mẹ chỉ nên bổ sung chúng trong các trường hợp: hại khuẩn đường ruột tăng dẫn tới trẻ bị đi ngoài hay táo bón, khó tiêu; trẻ kém hấp thu, suy giảm sức đề kháng.

Men vi sinh nên tránh dùng cùng kháng sinh, trẻ dưới 1 tuổi nên lựa chọn bổ sung sau ăn ít nhất 30 phút để tối thiểu hóa các bất lợi. Đối với bé trên 1 tuổi, để tăng hiệu quả, nên bổ sung chế phẩm này trước ăn khoảng 30 phút hoặc ngay trong bữa ăn.

Xem thêm:

Sắt

Sắt có vai trò trên mọi khía cạnh từ tạo máu giúp phân bổ chất dinh dưỡng đến miễn dịch và hệ thống dẫn truyền thần kinh. Bé có thể không nhận đủ lượng sắt vì nhiều lí do như chế độ dinh dưỡng không hợp lí, hấp thu kém hoặc sữa mẹ không cung cấp đủ sắt cho trẻ.

Nhu cầu sắt của bé thay đổi theo từng độ tuổi và từng thể trạng. Theo khuyến cáo của hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ đủ tháng và đang bú mẹ hoàn toàn cần bổ sung liều 1mg sắt /kg kể từ khi bé được 4 tháng tuổi đến khi ăn dặm. Tuy nhiên nếu mẹ lựa chọn bổ sung sắt sulfat vô cơ cho bé, việc đánh răng sau khi uống sắt là cần thiết để tránh nguy cơ răng con bị ố vàng.

Thay vào đó, các chế phẩm sắt nhỏ giọt amin như sắt Ferrolip Baby được hấp thu tốt hơn và giảm ố vàng răng. Tuy nhiên, mẹ nên cho con uống khi đói, xa bữa ăn và tránh dùng cùng 1 số loại thực phẩm như trà, sữa, cafe, nước ngọt có gas.

Sắt - dưỡng chất không thể thiếu trong lộ trình bổ sung vi chất cho bé
Sắt – dưỡng chất không thể thiếu trong lộ trình bổ sung vi chất cho bé

Kẽm

Trung bình tại Việt Nam cứ 100 trẻ dưới 5 tuổi thì có tới 58 trẻ bị thiếu kẽm và 19 trẻ nhỏ bị bệnh thấp còi. Sự thiếu hụt kẽm ảnh hưởng tới hàng trăm chức năng sinh học trong đó có quá trình trao đổi chất, miễn dịch và dẫn truyền thần kinh.

Do đó nó cần được bổ sung tối thiểu 2mg mỗi ngày kể cả với trẻ dưới 6 tháng tuổi. Kẽm cũng được các bác sĩ lựa chọn kê đơn bổ sung khi bé bị tiêu chảy nhằm giảm mức độ cũng như thời gian mắc bệnh. Thời điểm vàng để hấp thu dưỡng chất này là vào buổi sáng và nên tránh dùng cùng canxi hoặc sắt.

Bổ sung quá liều kẽm có thể gây ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, tiêu chảy, co thắt bụng, đau vùng thượng vị. Khi nhận thấy trẻ có các dấu hiệu kể trên, mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế.

Vitamin D

Ngay từ khi còn bú mẹ, trẻ được khuyến cáo bổ sung vitamin D liều 400IU/ngày và không cần bổ sung thêm nếu trẻ bú mẹ mỗi ngày hơn 900ml. Khi bé bắt đầu trên 1 tuổi, mức liều này tăng lên 600-1000 IU.

Tắm nắng giúp cơ thể bé tăng tổng hợp loại vitamin này, mẹ nên cho bé tiếp xúc với ánh nắng vào sáng sớm và chiều muộn. Việc bổ sung quá liều vitamin D có thể tăng nguy cơ bị sỏi thận, mẹ nên lưu ý ngưỡng tối đa của nó với trẻ sơ sinh, trẻ dưới 8 tuổi và trẻ trên 9 tuổi lần lượt là dưới 1500IU, 3000IU và 4000IU một ngày.

Tăng cường vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng
Tăng cường vitamin D cho bé bằng cách tắm nắng

Vitamin K2

Vitamin K2 có nhiều tác dụng trên xương khớp, tim mạch và được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm lên men hay có nguồn gốc từ động vật. Vitamin này đặc biệt quan trong với trẻ em vì giúp tăng cường mật độ xương từ đó phát triển chiều cao.

Các bé sơ sinh chưa được khuyến cáo bổ sung thường quy vitamin K2. Với các bé trên 6 tháng, để tối ưu hóa sự tăng trưởng chiều cao, việc bổ sung cho bé vitamin K2 là cần thiết, mức liều cụ thể như sau:

Độ tuổi Lượng vitamin K2 cần bổ sung
Trẻ từ 6-12 tháng  7mcg/ ngày
Trẻ từ 1-2 tuổi 60mcg/ ngày
Trẻ từ 3-5 tuổi 70mcg/ ngày
Trẻ từ 6-9 tuổi 100mcg/ ngày
Trẻ trên 10 tuổi 120mcg/ ngày

Khi lựa chọn chế phẩm bổ sung vitamin K2 cho bé, mẹ cần chú ý chọn đúng loại, dùng đúng liều khuyến nghị và chớ quên bổ sung đều đặn để đạt hiệu quả tốt nhất.

Tầm quan trọng của các dưỡng chất vi lượng đối với sự phát triển toàn diện của bé là không thể phủ nhận. Hi vọng những chia sẻ về lộ trình bổ sung vi chất cho bé trên đây sẽ gỡ rối phần nào những băn khoăn trong hành trình làm mẹ còn nhiều khó khăn này, mẹ nhé!